Trong Thế Giới "Đì Zay" (DJ)
Với một thằng như Vin, một nốt nhạc bẻ làm đôi không biết, tay chân thuộc hàng “danh mộc” thế mà cũng bị lôi cuốn . Cái tài của nghề “đì zay” (DJ) là dzậy. Đồ nghề của dân DJ.
° Nhập môn DJ
DJ là viết tắt của chữ Disc Jockey, có nghĩa là người chỉnh nhạc. Ra đời từ những năm 50 của thế kỷ trước bởi những người Jamaica nhưng DJ chỉ thực sự phát triển sau khi du nhập vào Mỹ từ cuối những năm 60. Có thể hiểu nôm na DJ là linh hồn của một vũ trường hay một quán bar. Với cảm thụ âm nhạc tuyệt vời và đôi bàn tay thao tác khéo léo, các DJ đã làm cho bản nhạc kế tiếp được ráp nhịp một cách tài tình với bản nhạc đang chơi. Nhờ đó các giai điệu không bị ngắt quãng, tạo thành mạch hưng phấn, kích động cho người nghe.
Một tay DJ chuyên nghiệp trước hết là người biết lắng nghe cảm xúc của khán giả qua đôi chân của họ để giữ cho không khí luôn sôi động và làm cho họ chỉ biết nhảy. Cái tài của DJ là biết biến hóa những âm thanh “hổ lốn” như: tiếng đĩa bị trầy xước, tiếng kẹt cửa, còi xe hơi, tiếng máy móc bị hỏng hóc… thành một thứ âm nhạc hấp dẫn. Đó chính là nghệ thuật của sự sáng tạo.
Tất nhiên để thực hiện được điều đó không hề đơn giản. Trước hết cần phải có một niềm đam mê và một tai nhạc hơn người, một DJ có thể không cần biết nhạc lý nhưng nhất thiết phải có khả năng cảm thụ âm nhạc đặc biệt. Các kỹ thuật cơ bản của DJ là bắt nhịp, thả nhịp, đuổi nhịp, đặt nhịp tương phản, làm chậm nhịp. Ngoài ra còn có các “độc chiêu” như: ngắt, xóa, tạo vang, kéo dài, tín hiệu, rung, làm méo âm thanh… và nhiều kỹ thuật mới được sáng tạo.
Ngoài những tố chất, kỹ năng trên, một DJ nhất thiết phải có phương tiện hành nghề chuyên dụng. Bộ đồ nghề cơ bản gồm có 2 đầu đĩa CD xoay được hai chiều (nếu chuyên nghiệp hơn sẽ có 4 đầu), một bàn mixer, cây phá tiếng với 49 chức năng. Nếu đầu tư bài bản thì một bộ dụng cụ của dân DJ phải tốn từ 3.000 - 5.000 USD. Bên cạnh đó còn có phụ tùng kèm theo gồm đàn organ, máy vi tính với những phần mềm cần thiết và ít nhất phải có trên 500 đĩa nhạc tuyển chọn được yêu thích.
Hồng Anh - DJ số 1 Việt Nam năm 2004 trong đêm biểu diễn tại Vũ trường Lodge.° DJ Việt Nam
DJ du nhập vào Việt Nam vào khoảng cuối những năm 90, chủ yếu là tại TP. Hồ Chí Minh, thông qua những Việt kiều về từ Mỹ. Những người khởi xướng phong trào là DJ Phát P, Chương DJ, Long tóc dài… Riêng tên tuổi Phát P gắn liền với CLB Mưa Rừng, TP. Hồ Chí Minh; một số học trò của anh đến nay đã thành danh được rải đi khắp nước, trong đó phải kể đến đệ tử xuất sắc và cũng là vợ anh là Nguyễn Đình Mỹ Quyên, biệt danh là Bo Bo DJ, người đạt giải nhất trong cuộc thi Tìm kiếm tài năng trẻ DJ Việt Nam lần thứ 1 (2003).
Có công quảng bá, giới thiệu DJ với công chúng Việt Nam một cách có bài bản và nghiêm túc đó chính là Heineken Việt Nam. Đây chính là đơn vị đứng ra tổ chức cả 2 kỳ thi tuyển chọn Tìm kiếm tài năng trẻ DJ Việt Nam 2003 - 2004. Trước đó, đơn vị tài trợ đã tổ chức các tour biểu diễn của những DJ hàng đầu thế giới. Trong kỳ thi vừa qua, ban tổ chức đã mời 3 DJ hàng đầu thế giới đến chấm thi, trong đó có Tiesto - được xem là DJ số một thế giới. Các thí sinh lọt vào vòng bán kết được tham gia một khóa đào tạo nâng cao do những DJ nổi tiếng giảng dạy. Riêng 3 thí sinh đầu bảng sẽ tham gia tour biểu diễn xuyên Việt tại các vũ trường lớn (Nha Trang, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội).
Đây chính là sân chơi để cho những DJ Việt Nam thể hiện tài năng của mình. Từ cuộc thi này đã tạo nên sức lôi cuốn giới trẻ hăm hở bước vào con đường DJ chuyên nghiệp. Cũng chính từ đây, các DJ Việt Nam càng nỗ lực học hỏi, nâng cao tay nghề thông qua việc xuất ngoại sang Singapore, Philippines để giao lưu, học tập. Phần lớn các địa phương đều đã có người làm nghề DJ; Các sàn nhảy trên cả nước đã “nóng” lên và được “nâng cấp” về trình độ thưởng thức nghệ thuật từ khi có đông đảo đội ngũ DJ bước vào nghề.
Tập làm DJ.
° DJ Nha Trang
Trước đây các vũ trường ở Nha Trang khi đầu tư mới chỉ chú ý vào việc sang trọng, bề thế, còn âm nhạc phục vụ được đưa xuống hàng thứ yếu. Bắt đầu từ năm 2000, vũ trường Hải Yến (trước đây) đã đi tiên phong trong việc sử dụng DJ, lúc đó lứa đầu tiên được gửi vào TP. Hồ Chí Minh tầm sư học đạo có anh Hiển, Bo. Tuy nhiên, tiếng tăm của DJ cũng chỉ giới hạn với những người trong nghề.
DJ Nha Trang thực sự tiếp cận đến với DJ chuyên nghiệp kể từ khi vũ trường Lodge bắt tay vào quảng bá cho nghề này. Vũ trường Lodge đã mời nhóm DJ nổi tiếng của CLB Mưa Rừng về chơi, trong đó phải kể đến 2 gương mặt trẻ đang lên là Long tóc vàng và Tuấn Thành. Đặc biệt Tuấn Thành là sinh viên năm cuối Đại học Xây dựng, có biệt danh DJ “hiếu chiến”, hiện anh quản lý diễn đàn DJ của Website:
www.yeuamnhac.com. Tại Lodge. hàng đêm các DJ sẽ phục vụ cho khách đến vũ trường nhiều phong cách, nhiều dòng nhạc khác nhau nhưng trong đó được ưa chuộng nhất là thể loại Hip Hop và cũng là thể loại được xem là khó mix nhất. Hai năm qua, trong tour biểu diễn xuyên Việt của các DJ hàng đầu do Heineken tài trợ, đã chọn Lodge làm điểm dừng chân biểu diễn. Đây chính là cơ hội để khán giả thành phố biển thưởng thức âm nhạc vũ trường ở trình độ cao hơn.
Hiện nay tại Nha Trang những vũ trường, quán bar có DJ là rất ít. Ngoài vũ trường Lodge với các DJ chuyên nghiệp đến từ TP. Hồ Chí Minh, tại Club N01 có DJ Nghĩa, Hiếu, vũ trường New Century có Dũng, Bo, tại quán bar Ba Kim có Hiển. Đối với các DJ “bản địa” thì tiền công dao động từ 2 - 3 triệu đồng/tháng, thời gian làm việc từ 8 giờ tối đến 12 giờ khuya. Để không ngừng trau dồi nghề nghiệp, các DJ phải liên tục đầu tư kiến thức, cập nhật thông tin âm nhạc, sưu tầm đĩa nhạc và phần mềm tính năng mix nhạc chuyên dụng. Với chừng ấy chi phí thì coi như thu nhập chẳng còn được bao nhiêu, trong khi đó áp lực công việc lại rất căng thẳng.
Thế nhưng đa số họ không ai muốn bỏ cuộc. Nói như DJ Tuấn Thành: Tuổi trẻ không ai có thể từ bỏ niềm đam mê của mình, nhất là niềm đam mê đó mang lại niềm vui, sự sảng khoái cho mọi người. Điều quan trọng là phải nghiêm túc và phấn đấu nhiều hơn nữa.
Và đó cũng là suy nghĩ của Vin khi nghĩ về nghề DJ - Dù chỉ là kẻ ngoại đạo.